Nhắc đến thời trang là nhắc đến một ngành hàng thiết yếu ảnh hướng trực tiếp đến cuộc sống, công việc của con người. Các thiết kế thời trang gắn liền với sự phát triển chung của xã hội, cùng đó là nhiều doanh nghiệp sản xuất với nhiều mẫu mã cùng tham gia một thị trường lớn. Cạnh tranh trong ngành thời trang là rất lớn khi số lượng cửa hàng bán lẻ thời trang được mở ra ở khắp nơi với quy mô từ lớn đến nhỏ, từ cá nhân đến doanh nghiệp với nhiều chương trình ưu đãi giảm giá kích cầu mua sắm khác nhau.
Dù thị trường thời trang cạnh tranh rất lớn nhưng vẫn có nhiều tên tuổi như: Thời trang NEM, Thời trang IVY, Thời trang Canifa… liên tục mở cửa hàng mới tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Do đó, kinh doanh cửa hàng thời trang vẫn hiệu quả và mang về một khoản lợi nhuận lớn dù thị trường cạnh tranh cao đã vượt ngưỡng bão hòa. Và bạn có trong mình một tình yêu mạnh mẽ với ngành thời trang, bạn muốn kinh doanh cửa hàng thời trang, bạn đang phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu khi kinh nghiệm thời trang của mình chỉ bằng con số không?… Để trả lời cho những câu hỏi khó của bạn, xin mời tham khảo những gợi ý dưới đây:
1. Xác định khách hàng
Kinh doanh thời trang được xem là một lĩnh vực khó và rủi ro lớn, vì tính chất đa dạng của hàng hóa bạn không thể phục vụ triệt để mọi nhu cầu mua sắm của khách hàng. Nếu cố tình phục vụ sẽ cần một khoản đầu tư rất lớn, chấp nhận rủi ro thua lỗ và tình trạng hoạt động của cửa hàng kém hiệu quả vì không trọng tâm vào một đối tượng khách hàng cụ thể nào đó. Vì vậy, trước khi sử dụng tình yêu của mình để bắt đầu kinh doanh cửa hàng thời trang bạn cần xác định khách hàng tiềm năng của mình một cách chính xác và cụ thể nhất theo các thông tin như: độ tuổi, giới tính, mức thu nhập, sở thích thời trang…
Mình sẽ lấy một ví dụ cụ thể để bạn dễ dàng hình dung hơn: độ tuổi phục vụ là trẻ em từ 3 đến 7 tuổi, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, sở thích thời trang phụ thuộc vào người khác. Với các thông tin này bạn nên mở cho mình một cửa hàng thời trang mẹ và bé, các mặt hàng bao gồm quần áo, giày dép… với một mức giá vừa phải hoặc thấp hơn 1~2% so với các cửa hàng cùng dạng lân cận.
Kết luận: Để kinh doanh cửa hàng thời trang hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh cao bạn nên xác định khách hàng và đi theo thị trường ngách. Mức độ rủi ro ngành sẽ được hạn chế tối đa, phục vụ một đối tượng khách hàng triệt để hơn và thành công dễ hơn.
2. Xác định nhu cầu
Sau khi quá trình xác định khách hàng hoàn tất bạn cần xác định nhu cầu mua sắm của khách hàng tương lai của mình. Hãy tìm hiểu thật rõ cách họ trả tiền để sở hữu một món đồ thời trang, mong muốn chất lượng sản phẩm, phong cách thời trang đa phần trong khu vực… Bằng việc xác định nhu cầu chính xác giúp bạn có cơ sở nhập hàng thời trang chính xác với nhu cầu khách hàng thực tế.
Tiếp theo ví dụ ở trên, đứng trên cương vị người bố sắp đón đứa con đầu lòng tôi cần một số đồ dùng, quần áo và sẵn sàng chi trả một khoản tiền nhỉnh hơn miễn sao những món đồ đó phải tốt, phải phù hợp với em bé. Phong cách thời trang của em bé sẽ là của tôi và những bộ quần áo ngộ nghĩnh (trẻ nhỏ mà, ngộ nghĩnh mới yêu), những món đồ trông dễ thương tôi sẽ chọn đầu tiên.
Kết luận: Khi bạn xác định chính xác nhu cầu khách hàng đồng nghĩa với việc đánh đúng sở thích hoặc mặt hàng khách hàng đang cần. Lúc này, khách hàng sẽ trả tiền ngay lập tức để sở hữu món đồ đó mà không phải lăn tăn điều gì. Bạn sẽ bán hàng nhanh hơn, hàng tồn kho giảm, rủi ro trong lĩnh vực thấp giúp bạn tạo chỗ đứng thương hiệu trong khu vực và thành công sẽ gần hơn.
3. Không gian cửa hàng
Thiết kế không gian cửa hàng là điều rất khó, không gian cần tạo nên sự thoải mái cũng như ăn ý giữa các chi tiết nội ngoại thất dù là nhỏ nhất trong một không gian lớn nhưng đừng sang chảnh. Đồng thời cần xuất hiện những điểm nhấn tạo dấu ấn riêng thương hiệu của bạn tại nhiều vị trí khác nhau, những điểm nhấn này chính là cái mà khách hàng sẽ nhớ nhất hoặc nói đến khi nhắc đến cửa hàng thời trang của bạn. Hãy sử dụng giá kệ đa năng cùng manocanh nhằm mục đích trưng bày và giới thiệu sản phẩm vì chúng giúp tạo sự hấp dẫn trong không gian, tìm kiếm sản phẩm dễ dàng hơn và mang tính chuyên nghiệp.
Kết luận: Kinh doanh cửa hàng thời trang hiệu quả đòi hỏi cần một không gian trưng bày sản phẩm hợp lý, bắt mắt và dễ dàng quan sát cũng như tìm kiếm các hàng hóa. Thiết kế hài hòa, hợp lý sẽ giúp khách hàng nhớ đến của hàng bạn nhiều hơn.
4. Chăm sóc khách hàng
Trong kinh doanh vấn đề chăm sóc khách hàng rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và tồn tại của mô hình không riêng gì kinh doanh cửa hàng thời trang. Đồng thời khách hàng thân thiên đến mua sắm ở cửa hàng thường xuyên cũng phần lớn đến từ vấn đề chăm sóc này. Do đó, trong quá trình bán hàng bạn nên tư vấn đầy đủ thông tin sản phẩm như chất liệu, mẫu mã, kiểu dáng, xu hướng… và cần đặt địa vị của mình vào khách hàng để đưa đến những tư vấn hợp lý nhất. Chú ý hãy cung cấp nhiều thông tin nổi bật cho khách hàng hơn, tuyệt đối không so sánh hàng hóa của mình với đối thủ trong khu vực.
Luôn giữ thái độ niềm nở, tươi vui và ân cần dù phải tư vấn cho những khách hàng khó tính nhất. Luôn lắng nghe và lưu lại mọi góp ý, phê phán của khách hàng để hoàn thiện cửa hàng kinh doanh thời trang của mình. Đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn theo một sự kiện cụ thể hoặc mua hàng theo nhóm nhằm khuyến khích khách hàng chi nhiều tiền hơn cho bạn.
Kết luận: Kinh doanh cửa hàng thời trang có hiệu quả hay không là nhờ 80% vào cách bạn chăm sóc khách hàng của mình. Hãy luôn nhớ rằng khách hàng sẵn sàng chi trả một khoản tiền để có được một sản phẩm chất lượng, một dịch vụ chăm sóc tốt.
Công việc kinh doanh cửa hàng thời trang hiệu quả là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như kiến thức kinh doanh, vốn kinh doanh, nguồn lực nhân sự…. Nội dung phía trên mang phong cách và suy nghĩ của tác giả, quý bạn đọc chỉ nên sử dụng cho mục đích tham khảo hoặc nâng tầm kiến thức cho mình. Mọi vấn đề phát sinh khi áp dụng trên thực tế tác giả xin từ chối trách nhiệm.